Bỉ, quốc danh hiện tại là Vương quốc Bỉ là một quốc gia tại Tây Âu. Nước này là một thành viên sáng lập của Liên minh và cũng là nơi đóng trụ sở của tổ chức này, cũng như nhiều tổ chức quốc tế lớn khác, gồm cả NATO. Bỉ có diện tích 30.528km2 và dân số khoảng 10.7 triệu người.
Khám Phá Quảng Trường Anh Hùng Ở BudapestNước Bỉ - Belgium
Là biên giới văn hoá giữa châu Âu German và châu Âu Latinh, Bỉ là ngôi nhà của hai nhóm ngôn ngữ chính, Flemish và người nói tiếng Pháp, chủ yếu là Walloons, cộng với một nhóm nhỏ người nói tiếng Đức. Hai vùng lớn nhất của Bỉ là vùng nói tiếng Hà Lan Flanders ở phía bắc, với 59% dân số, và vùng nói tiếng Pháp ở phía nam là Wallonia, với 41% dân số. Vùng thủ đô Brussels, có hai ngôn ngữ chính thức, là vùng chủ yếu nói tiếng Pháp gồm trong Vùng Flemish và là nơi sinh sống của 10% dân số. Một Cộng đồng nói tiếng Đức có tồn tại ở đông Wallonia. Sự đa dạng ngôn ngữ của Bỉ và những cuộc xung đột chính trị và văn hoá liên quan tới nó được phản ánh trong lịch sử chính trị và một hệ thống chính phủ phức tạp.
Về mặt lịch sử, Bỉ Hà Lan và Luxembourg được gọi là Các nước vùng thấp, thường để chỉ một vùng hơi rộng hơn nhóm quốc gia Benelux hiện tại. Từ cuối thời kỳ Trung Cổ cho tới thế kỷ 17, đây là một trung tâm văn hoá và thương mại thịnh vượng. Từ thế kỷ 16 tới cuộc Cách mạng Bỉ năm 1830, nhiều trận đánh giữa các cường quốc châu Âu đã diễn ra tại khu vực Bỉ, khiến nó bị gọi là vùng đất chiến trận của châu Âu—một danh tiếng càng trở nên nổi bật hơn sau hai cuộc Thế chiến. Ngay khi giành được độc lập Bỉ lập tức tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp và, ở cuối thế kỷ 19, sở hữu nhiều thuộc địa ở châu Phi. Nửa sau thế kỷ 20 được ghi dấu bởi sự trỗi dậy của những cuộc xung đột cộng đồng giữa người Flemings và Francophone được tiếp sức thêm bởi những sự khác biệt văn hoá ở một khía cạnh và khía cạnh kia là sự phát triển kinh tế không đồng đều của Flanders và Wallonia. Đây là những cuộc xung đột vẫn còn sôi sục và đã dẫn tới nhiều đề xuất cải cách từ một nhà nước Bỉ đơn nhất thành một nhà nước liên bang.
Bỉ có chung biên giới với Pháp (620 km), Đức (167 km), Luxembourg (148 km) và Hà Lan (450 km). Tổng diện tích nước này, gồm cả diện tích mặt nước, Là 33.990 kilômét vuông; diện tích đất liền riêng là 30.528 km2. Bỉ có ba vùng địa lý chính: đồng bằng ven biển ở phía tây bắc và cao nguyên trung tâm đều thuộc về Châu thổ Anglo-Belgian; các vùng đất cao Ardennes ở phía đông nam là một phần của vành đai kiến tạo Hercynian. Châu thổ Paris chiếm một phần tư diện tích mũi cực nam nhỏ của Bỉ, Lorraine Bỉ.
Bỉ có nền kinh tế toàn cầu hoá mạnh và cơ sở hạ tầng vận tải của nước này được kết nối với toàn bộ châu Âu. Vị trí ở trung tâm một khu vực công nghiệp hoá cao khiến nước này trở thành quốc gia đứng hạng 15 thế giới về thương mại năm 2007. Nền kinh tế có đặc trưng ở nguồn nhân lực có khả năng sản xuất cao, GNP cao và xuất khẩu trên đầu người cao. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Bỉ là thực phẩm, máy, kim cương thô, dầu mỏ và các sản phẩm hoá dầu, hoá chất, vải vóc và phụ kiện và hàng dệt may. Các sản phẩm xuất khẩu chính gồm ô tô, sản thực phẩm, sắt và thép, kim cương đã gia công, dệt may, nhựa, sản phẩm hoá dầu và các kim loại phi kim. Kinh tế Bỉ hướng mạnh tới dịch vụ và có bản chất kép: một nền kinh tế Flemish năng động và một nền kinh tế Walloon ỳ ạch phía sau. Là một trong những thành viên sáng lập Liên minh châu Âu, Bỉ hỗ trợ mạnh mẽ một nền kinh tế mở và sự mở rộng các quyền lực của các định chế EU để tích hợp các nền kinh tế của các quốc gia thành viên. Từ năm 1922, Bỉ và Luxembourg đã là một thị trường duy nhất về thuế quan và tiền tệ: Liên minh Kinh tế Bỉ-Luxembourg.
Đầu năm 2007 gần 92% dân chúng Bỉ là công dân Bỉ, và khoảng 6% là công dân của các quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu. Những sắc tộc chủ yếu là người Italia (171.918), người Pháp (125.061), người Hà Lan (116.970), người Marốc (80.579), người Tây Ban Nha (42.765), người Thổ (39.419) và người Đức (37.621).
Bỉ có ba ngôn ngữ chính thức, xếp theo thứ tự từ lớn xuống nhỏ theo số người sử dụng là tiếng Hà Lan, tiếng Pháp và tiếng Đức. Một số thứ tiếng không chính thức của các cộng đồng nhỏ cũng được sử dụng.
Từ khi nước này giành độc lập, Công giáo Rôma - vốn từng có vai trò quan trọng trong chính trị Bỉ - đã gặp sự đối trọng từ các phong trào tự do tư tưởng mạnh. Tuy nhiên Bỉ vẫn chủ yếu là một quốc gia thế tục bởi Hiến pháp phi giáo hội quy định tự do tín ngưỡng và chính phủ nói chung tôn trọng quyền tự do theo hay không theo tôn giáo. Trong thời cầm quyền của Albert I và Baudouin, vương triều này nổi tiếng vì ủng hộ Công giáo.
Đời sống văn hoá hiện nay tập trung bên trong mỗi cộng đồng ngôn ngữ và nhiều rào cản đã khiến sự tồn tại của một cộng đồng văn hoá chung ít được nhắc tới. Từ thập niên 1970, không có các trường đại học song ngữ trong nước ngoại trừ Viện Hàn lâm Quân sự Hoàng gia, không có truyền thông chung và không có một tổ chức văn hoá hay khoa học lớn duy nhất trong cả hai cộng đồng chính. Các lực từng giữ người Bỉ liên kết với nhau -Cơ đốc giáo La Mã và sự đối lập kinh tế và chính trị với người Hà Lan- không còn mạnh. Dù có chia rẽ chính trị và ngôn ngữ từng gây bất đồng trong nhiều thế kỷ, vùng nước Bỉ ngày nay đã từng là nơi phát triển của các phong trào nghệ thuật lớn có ảnh hưởng to lớn trên văn hoá và nghệ thuật châu Âu.
Văn hoá dân gain đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá Bỉ: nước này có số lượng khá lớn các đám diễu hành, đoàn cưỡi ngựa, 'ommegangs' và 'ducasses', 'kermesse' và các festival địa phương khác, hầu như luôn luôn có một bối cảnh thần thoại hay tôn giáo đi kèm. Carnival of Binche với Gilles nổi tiếng của nó và 'Processional Giants and Dragons' Ath, Brussels, Dendermonde, Mechelen và Mons được UNESCO công nhận là Tuyệt tác truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại. Các ví dụ khác là Carnival Aalst; các cuộc diễu hành mang đậm tính tôn giáo của the Holy Blood tại Bruges, Virga Jesse Basilica ở Hasselt và Hanswijk tại Mechelen; festival ngày 15 tháng 8 tại Liège; và festival Walloon tại Namur. Có nguồn gốc từ năm 1832 và được khôi phục trong những năm 1960, Gentse Feesten đã trở thành một truyền thống hiện đại. Một ngày lễ không chính thức quan trọng là Ngày Thánh Nicholas, một lễ hội cho trẻ em và, tại Liège, cho các sinh viên.
Nhiều nhà hàng được đánh giá cao của Bỉ xuất hiện trong hầu hết các cuốn hướng dẫn ẩm thực danh tiếng, như Michelin Guide. Bỉ nổi tiếng về bánh quế và khoai tây chiên (french fries). Trái ngược với cái tên của nó (french là của Pháp), khoai tây chiên cũng có nguồn gốc từ Bỉ. Cái tên "french fries" thực tế miêu tả cách cắt khoai tây. Động từ "french" có nghĩa là cắt thành miếng nhỏ. Các món đặc sản quốc gia là "thịt nướng và khoai tây chiên với salad", và "trai với khoai tây chiên".
Các nhãn hiệu chocolate và kẹo hạt dẻ của Bỉ, như Callebaut, Côte d'Or, Neuhaus, Leonidas, Guylian, Galler và Godiva, đều nổi tiếng thế giới và được bán rộng rãi.
Bỉ sản xuất hơn 500 loại bia. Bia Trappist của Tu viện Westvleteren luôn được xếp hạng là loại bia ngon nhất thế giới. Công ty bia lớn nhất thế giới theo sản lượng là Anheuser-Busch InBev, có trụ sở tại Leuven.